Admin

Đành rằng có những tội ác trời không dung đất không tha, nhưng tử hình đối với những kẻ gây ra tội ác lại khiến cuộc đời thêm phần cay nghiệt. Và hơn tất cả, án tử hình cũng không phải là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tội phạm.

Trong số 18 tội danh còn hình phạt tử hình của Pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay, các tội danh liên quan đến ma túy có số lượng người phạm tội bị tử hình nhiều nhất, rồi đến tội Giết người. Các tội còn lại, nhất là tội về xâm phạm an ninh quốc gia hay tham nhũng thì khá hiếm loại án này.

Nếu như án tử hình được áp dụng để nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm thì có thể thấy mục đích này thất bại. Người phạm tội về ma túy, tham nhũng, giết người hầu như không thấy có dấu hiệu giảm đi, nếu không muốn nói là ngày càng tăng.

Nếu án tử hình được áp dụng để tương xứng với tội ác của người phạm tội, thì điều này khá mơ hồ. Biết thế nào mới là tương xứng. Đó là phạm trù không thể cân đong đo đếm.

Nếu án tử hình được áp dụng để xoa dịu nỗi đau của nạn nhân và gia đình họ, thì cũng không hoàn toàn như vậy. Nhiều gia đình nạn nhân muốn mạng đổi mạng, nhưng khi kẻ phạm tội chết đi rồi, nỗi đau vì mất người thân vẫn không bao giờ nguôi ngoai trong các gia đình đó. Hơn nữa, đối với tội phạm có nhiều án tử hình nhất là ma túy thì lại hầu như không có nạn nhân trực tiếp.

Án tử hình gây áp lực đối với người đưa ra phán quyết. Dù hình thức là nhân danh Nhà nước, nhưng bản án vẫn do con người cụ thể tạo ra. Có mấy ai muốn tước đoạt sinh mạng người khác, kể cả khi Nhà nước trao cho họ cái quyền năng đó?

Án tử hình còn tạo ra sự căng thẳng cực độ cho người canh giữ người bị kết án trong thời gian chờ thi hành án và khiến Nhà nước tốn kém để thi hành.

Và đặc biệt án tử hình có thể tạo ra sự sai lầm không thể khắc phục, khi mà nhiều người phạm tội không đáng bị tử hình nhưng vẫn phải chết, hoặc thậm chí không phạm tội nhưng vẫn bị tử hình một cách oan nghiệt.

Hiện nay pháp luật hình sự Việt Nam quy định áp dụng án tử hình đối với 18 tội danh: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Giết người; Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Mua bán trái phép chất ma túy; Sản xuất trái phép chất ma túy; Vận chuyển trái phép chất ma túy; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Chống loài người; Tội phạm chiến tranh; Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Bạo loạn; Gián điệp; Khủng bố; Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phản bội Tổ quốc.

Một trong những mục đích chính của án tử hình là ngăn chặn, phòng ngừa, nghĩa là Nhà nước mong muốn người có ý định thực hiện tội phạm sợ hãi mà không phạm tội. Thế nhưng điều đó không phù hợp với tâm lý con người.

Người nào muốn phạm tội, họ sẽ vì cái lợi, cái điều mà họ cần phải đạt được trước mắt mà không quan tâm đến hậu quả. Hoặc cũng có thể họ nhìn thấy hậu quả nhưng tin rằng nó sẽ không đến với mình. Cho nên người ta phạm tội.

Giống như những kẻ trộm chó. Họ hiểu rằng nếu bị bắt quả tang thì sẽ bị đánh què chân què tay, bị đánh đến chết. Nhưng số vụ trộm chó vẫn không giảm. Như vậy là họ không vì cái hậu quả khủng khiếp có thể đến với bản thân để mà ngừng trộm chó.

Tử hình là hình thức tước đoạt sinh mạng người khác một cách hợp pháp để xã hội được yên. Nhưng nếu mạng người đã đoạt được rồi mà xã hội vẫn rối ren thì đừng nên có thêm án tử hình làm gì nữa, lại chỉ khiến thêm một bộ phận của xã hội là người thân thích của người phạm tội, dù không có lỗi lầm gì, cũng phải chịu những đắng cay oan nghiệt.

Thay cho án tử hình, cần tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện phạm tội để từ đó giải quyết cái gốc của tội phạm. Đó mới là biện pháp để giúp xã hội an bình.

Bộ luật hình sự đầu tiên vào năm 1985 áp dụng hình phạt tử hình đối với tội phạm giết người. Bộ luật sửa đổi năm 1991 áp dụng tử hình đối với tội nhận hối lộ. Bộ luật sửa đổi năm 1997 áp dụng tử hình đối với tội về ma túy.

Sau vài thập kỉ có án tử hình, chưa bao giờ các vụ án giết người, giết 3, 4, 5 mạng người cùng một lúc nhiều như hiện nay; Chưa bao giờ người tham nhũng, nhận hối lộ lại có nhiều tài sản như hiện nay; Chưa bao giờ kẻ mua bán vận chuyển ma túy lại có số lượng đến hàng yến, hàng tạ, kể cả hàng tấn như hiện nay…

Vậy là bao nhiêu án tử hình đã được thi hành, bao nhiêu tội phạm đã bị bắn, bị tiêm thuốc độc không thể kìm chế được nỗi sợ hãi của con người để tránh phạm tội.

Muốn hạn chế tội phạm về tham nhũng, hãy cho cán bộ những quyền lợi đủ để họ sợ phải mất tất cả nếu tham nhũng.

Muốn hạn chế tội phạm xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người khác, cần phải giáo dục con người biết yêu thương, quý trọng con người, từ khi còn là đứa trẻ chập chững đến trường.

Muốn hạn chế tội phạm về ma túy, hãy cải thiện đời sống của người dân khốn khó, đặc biệt là người dân ở những vùng mà từ nghèo đói đến đủ đầy chỉ cần một bước chân hay một cái gật đầu.

Và muốn hạn chế tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, hãy để người dân nhìn thấy một Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân.

Hy vọng rằng trong tương lai không xa, Quốc hội sẽ quan tâm đến vấn đề này và loại bỏ án tử hình ra khỏi Bộ luật hình sự.

Luật sư Giang Hồng Thanh

Để giải quyết nhanh nhất vấn đề của bạn, hãy liên hệ

Để lại lời nhắn cho chúng tôi